Các kỹ năng cần của các lãnh đạo trong thế giới “VUCA”
Ngày nay, VUCA đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1990 do Quân đội Hoa Kỳ công bố để mô tả về thế giới “đa phương” sau Chiến tranh lạnh.
VUCA ảnh hưởng như thế nào đối với các nhà lãnh đạo?
VUCA là tên viết tắt của các từ: Volatility (nhiều biến động), Uncertainty (bất định), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ), đây cũng chính là những đặc điểm chính của môi trường kinh doanh hiện nay. Tình hình kinh tế thế giới hiện tại đang biến đổi khó lường theo những mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước, các công nghệ mới liên tục xuất hiện và nhu cầu của người tiêu dùng cũng biến đổi không ngừng. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh này đòi hỏi các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp phải nhận diện, trau dồi và hoàn thiện những kỹ năng lãnh đạo cốt yếu để có thể giúp tổ chức của mình vượt qua những khó khăn, thử thách và thích ứng nhanh với thế giới “VUCA” này.
Các kỹ năng cần có ở nhà lãnh đạo
Sau khi tiến hành phỏng vấn hơn 40 nhà lãnh đạo (ở các lĩnh vực khác nhau), những người đã giúp cho tổ chức của mình thích ứng và phát triển thành công trong thế giới “VUCA”, Ron Ashkenas và Brook Manville (HBR,2018) đã đúc kết ra sáu kỹ năng lãnh đạo cốt yếu mà các nhà lãnh đạo cần rèn luyện để giúp tổ chức phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động này.
-
Thứ nhất là kỹ năng thiết lập một tầm nhìn hấp dẫn và thử thách cho toàn tổ chức (đội nhóm hoặc phòng ban).
Kỹ năng này giúp nhà lãnh đạo biết cách thiết lập các tầm nhìn phù hợp ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của tổ chức và ở mỗi bối cảnh kinh doanh khác nhau. Khi tầm nhìn của tổ chức được thiết lập phù hợp, hấp dẫn và có tính thử thách, nó sẽ giúp cho các thành viên được định hướng, được truyền cảm hứng và từ đó họ sẽ cùng nhau hướng đến mục tiêu chung. Ngược lại, nếu tầm nhìn được thiết lập một cách chung chung, mơ hồ, kém hấp dẫn hoặc không tạo ra sự thử thách sẽ làm cho các thành viên cảm thấy mông lung và thiếu niềm tin hoặc thiếu động lực để làm việc tích cực hướng đến tầm nhìn chung của tổ chức.
-
Thứ hai là kỹ năng chuyển đổi tầm nhìn thành một chiến lược rõ ràng gồm có những bước hành động cần thực hiện và cả những điều không làm.
Để lãnh đạo có hiệu quả, nhà lãnh đạo không chỉ giỏi trong việc thiết lập tầm nhìn tốt mà còn cần phải biết chuyển tải những tầm nhìn chung đó thành một chiến lược rõ ràng với danh mục các hành động chính cần thực hiện để đạt được tầm nhìn đó. Kỹ năng này là cần thiết nhằm giúp cho các thành viên trong tổ chức hiểu được mối liên kết từ tầm nhìn đến các hoạt động của các phòng ban, bộ phận và các hoạt động hàng ngày của họ.
Một chiến lược rõ ràng như là một tấm bảng đồ hướng dẫn cho các thành viên con đường để đi đến đích (tầm nhìn) và đồng thời giúp cho họ nhận thức được vai trò của mình trong việc đóng góp vào hoạt động chung để giúp tổ chức đạt được tầm nhìn. Ngược lại, nếu kỹ năng này của nhà lãnh đạo kém thì các thành viên sẽ cảm thấy mơ hồ về con đường đi đến tầm nhìn và không hiểu được vai trò vị trí của mình trong hoạt động chung của tổ chức, từ đó họ sẽ làm việc một cách thụ động và làm theo mệnh lệnh là chính.
-
Thứ ba là kỹ năng tuyển dụng, phát triển một đội gồm những người xuất sắc để thực hiện chiến lược đã đề ra.
Để có thể đạt được tầm nhìn, một tổ chức không chỉ cần một chiến lược tốt mà còn cần những con người giỏi để biến những chiến lược này thành hiện thực. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo không chỉ cần giỏi hoạch định mà còn cần có kỹ năng tuyển dụng tốt để thu hút và lựa chọn những ứng viên ưu tú và biết cách phát triển những năng lực tiềm ẩn của các nhân viên cấp dưới của mình. Để có được đội ngũ nhân sự mạnh, có “chiều sâu” thì nhà lãnh đạo nên dành thời gian để chọn lọc và huấn luyện một lực lượng các nhà lãnh đạo kế cận đủ sức để đảm đương với những thử thách trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
-
Thứ tư là kỹ năng đánh giá kết quả thực hiện.
Việc đánh giá kết quả được thực hiện tốt sẽ giúp cho nhà lãnh đạo nắm bắt được tình hình tốt từ đó đưa ra được những quyết định điều chỉnh kịp thời trong một môi trường kinh doanh luôn biến động. Kỹ năng đánh giá kết quả tốt sẽ giúp cho nhà lãnh đạo đưa ra những phản hồi cho các bộ phận, nhân viên cấp dưới đúng lúc để giúp họ nhận ra được họ đang làm tốt đến đâu, tốt đến mức nào, điều gì chưa làm tốt, điều gì cần thay đổi và điều chỉnh…Chính những thông tin phản hồi này sẽ giúp cho các bộ phận, nhân viên cấp dưới cải thiện chất lượng công việc và kết quả làm việc.
-
Thứ năm là kỹ năng nuôi dưỡng sự đổi mới sáng tạo và sự học hỏi không ngừng để phát triển tổ chức bền vững.
Do môi trường kinh doanh luôn biến động nên những kỹ năng kiến thức của nhân viên đã và đang có ở hiện tại có thể sẽ dần trở nên kém hiệu quả, lạc hậu và thậm chí còn có thể gây cản trở cho sự phát triển của tổ chức trong tương lai. Chỉ có việc tạo ra một văn hoá không ngừng học tập trong tổ chức mới giúp tổ chức theo kịp với nhịp phát triển của thời đại, từ đó thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.
Để làm được điều này nhà lãnh đạo cần có kỹ năng thúc đẩy và nuôi dưỡng sự tự học tập, sự đổi mới sáng tạo trong tổ chức, trong từng thành viên, từng đơn vị bằng cách tạo ra một môi trường, chính sách tốt để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động này diễn ra. Một nhà lãnh đạo có kỹ năng này tốt sẽ tạo ra được một tổ chức có năng lực đổi mới sáng tạo tốt nhờ một đội ngũ có tri thức mới, có kỹ năng mới từ đó có được những giải pháp mới để giải quyết các vấn đề, thách thức của thế giới “VUCA”.
-
Thứ sáu là kỹ năng lãnh đạo bản thân.
Để có thể lãnh đạo bản thân tốt, nhà lãnh đạo cần thấu hiểu bản thân, không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân và biết cách cân bằng cuộc sống. Một nhà lãnh đạo thấu hiểu bản thân là họ hiểu được những giá trị gì mà họ đang có (values), họ đam mê những gì (passions), họ có khát vọng gì (aspirations), họ đang phản ứng như thế nào (reactions) bao gồm những suy nghĩ (thoughts), cảm giác (fellings), hành vi (behaviors), các điểm mạnh (strengths) và các điểm yếu (weaknesses) và cả những tác động của họ lên người khác như thế nào.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khi chúng ta hiểu rõ bản thân mình, chúng ta sẽ tự tin hơn và sáng tạo hơn, chúng ta xây dựng mối quan hệ với người khác bền chặt hơn, giao tiếp hiệu quả hơn, làm việc tốt hơn, thăng tiến nhanh hơn. Đặc biệt là chúng ta sẽ lãnh đạo hiệu quả hơn, làm cho nhân viên cấp dưới hạnh phúc hơn và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho tổ chức (Tasha Eurich, HBR,2018).
Lời khuyên cho các nhà lãnh đạo
Một nhà lãnh đạo dù ở cấp nào đi nữa cũng cần tự tìm ra cho mình các cơ hội để thực hành và rèn luyện sáu kỹ năng cần thiết này để không ngừng hoàn thiện năng lực lãnh đạo bản thân nhằm giúp tổ chức của mình có thể đương đầu, thích ứng và phát triển bền vững trong một thế giới “VUCA”.
Huỳnh Kim Tôn