Chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp taxi truyền thống
Dường như những chiến lược, giải pháp cạnh tranh mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang áp dụng đã “vô tác dụng” đối với các công ty vận tải công nghệ như Uber trước đây và Grab hiện nay. Doanh thu và số lượng nhân viên của những đơn vị này liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của các doanh nghiệp taxi truyền thống
Nguyên nhân là do sự canh tranh của các đối thủ như Uber và Grab. Theo Forbes Việt Nam, doanh thu năm 2017 của Vinasun giảm gần 50% so với năm trước đó (còn 2.937 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế cũng giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống 190 tỉ đồng. Số lượng nhân viên giảm mạnh từ 17.160 người xuống còn 7.117 người chỉ sau một năm.
Mai Linh bị rơi vào tình trạng khó khăn hơn khi tính đến hết tháng 6.2017, số lỗ của Mai Linh đã lên tới gần 800 tỉ đồng. Lợi nhuận của Mai Linh trong ba năm gần đây chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý xe.
Những cố gắng của các doanh nghiệp taxi truyền thống
Khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn như vậy từ các đối thủ, các “ông lớn” trong ngành taxi truyền thống đã không chịu “ngồi yên” nhìn đối thủ “làm mưa làm gió.”
Đầu năm 2018, Vinasun đã tiến hành khởi kiện Grab vì cho rằng Grab đã áp dụng các phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá.Trong khi Mai Linh cũng quyết định mở thêm dịch vụ xe ôm M.Bike vào năm ngoái.
Hiện nay, các hãng taxi truyền thống đều đang nỗ lực phát triển dịch vụ của mình bằng cách cho ra mắt ứng dụng gọi xe, đầu tư dịch vụ xe sang như Vcar của Vinasun. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng những giải pháp này dường như đã không giúp các hãng taxi truyền thống thoát khỏi khó khăn.
Nguyên nhân cốt lõi
Các doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn chưa quản trị chiến lược tốt. Quản trị chiến lược tốt đòi hỏi doanh nghiệp phải biết cách đưa ra các chiến lược cho từng giai đoạn phát triển. Đồng thời phải biết thay đổi các chiến lược này khi môi trường bên ngoài biến động.
Một chiến lược tốt là chiến lược giúp cho doanh nghiệp tạo ra được những lợi thế cạnh tranh riêng mà đối thủ khác không có. Nếu doanh nghiệp đưa ra những ứng dụng có những tính năng “mới” giống cái đối thủ đang có (các app gọi xe), cung cấp dịch vụ mà đối thủ đang làm, hoặc làm tốt hơn với mức giá cao hơn mức giá đối thủ để phục vụ cùng một nhóm khách hàng thì cái “chiến lược” ấy chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.
Một số minh chứng về các chiến lược thiếu sự kiểm soát của các doanh nghiệp taxi truyền thống
Doanh nghiệp taxi truyền thống đã phản ứng quá chậm trước những biến động của môi trường bên ngoài. Doanh nghiệp đã không có một chiến lược hoặc kế hoạch chuẩn bị gì khi mà trong ngành xuất hiện những đối thủ kinh doanh có công nghệ mới hơn như Uber và Grab.
Uber ra đời tại San Francisco vào mùa hè năm 2010, sau đó Uber đã phát triển mở rộng sang thị trường nhiều nước châu Âu trước khi đến Việt Nam năm 2014. Trong suốt 4 năm đó, Uber đã gây ra sự thay đổi lớn trong ngành vận tải taxi và làm suy giảm doanh thu và việc làm của hàng loạt doanh nghiệp taxi truyền thống ở khắp những nơi mà nó hiện diện.
Những sai lầm của doanh nghiệp taxi truyền thống
Dường như các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam đã không ngó ngàng tới, thậm chí là không nhận ra mối nguy cơ này mãi cho đến khi Uber vào chiếm lĩnh thị trường. Nếu các đơn vị này quản trị chiến lược tốt hơn thì đã theo dõi, đánh giá tác động của mô hình mới này và kịp thời đưa ra những chiến lược chủ động ứng phó trước khi Uber đến.
Những giải pháp mà doanh nghiệp taxi truyền thống nên áp dụng lúc bấy giờ
Những giải pháp mà hiện giờ các doanh nghiệp taxi truyền thống đang áp dụng như phần mềm gọi xe online, dịch vụ xe hạng sang Vcar được đưa ra từ những năm 2014 hoặc sớm hơn thì các công ty vận tải công nghệ không thể có được thị phần như hiện nay.
Trong thực tế đã có những doanh nghiệp thành công khi chủ động đón đầu đối thủ. Ví dụ như trường hợp của công ty DiDi, một hãng gọi xe công nghệ giống Uber, ra đời năm 2012 sau Uber, đã đánh bật Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc. Trước khi Uber vào Trung Quốc (2014), DiDi đã có những chiến lược tốt để đón đầu và cạnh tranh tốt với Uber. Đáng buồn là các doanh nghiệp taxi truyền thống đã không quan tâm, đã không nhận ra và đã không làm gì để cuối cùng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như hiện nay.
Lối thoát nào dành cho các doanh nghiệp taxi truyền thống?
Để có thể vượt qua khó khăn hiện tại, để cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp taxi truyền thống cần thực hiện tốt những việc sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị chiến lược của đơn vị thông qua việc tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo đội ngũ nhân lực cấp cao về tư duy chiến lược và quản trị chiến lược.
Điều này giúp doanh nghiệp “biết cách” đưa ra được những chiến lược cạnh tranh tốt và phản ứng tốt trước những biến động liên tục của thị trường hiện nay.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng, thấu hiểu khách hàng và tạo ra nhiều giá trị mới cho cho khách hàng.
Thông qua việc cung cấp cho khách hàng những nhóm giá trị khác biệt, doanh nghiệp sẽ có được những lợi thế cạnh tranh mà đối thủ khác không có.
Điều cần ghi nhớ
Thay vì cung cấp một dạng dịch vụ, một mức chất lượng dịch vụ taxi giống nhau cho mọi đối tượng khách hàng, doanh nghiệp nên phân chia thành những phân khúc khác nhau để thiết kế những dịch vụ riêng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Một vài chiến lược cạnh trang mà các doanh nghiệp taxi truyền thống có thể triển khai
Chẳng hạn như doanh nghiệp có thể thiết kế một dịch vụ taxi riêng dành cho những nhóm khách người nước ngoài tại các sân bay quốc tế. Đối với nhóm người này, họ có nhu cầu khác với các khách hàng thông thường. Họ muốn tài xế taxi có thể giao tiếp tiếng anh cơ bản, có thể cung cấp thông tin và tư vấn cho họ các địa điểm nghỉ ngơi, tham quan phù hợp trong thành phố và thậm chí là một số nét đặc trưng văn hoá của địa phương. Các doanh nghiệp taxi có thể cung cấp cho họ một chiếc xe sạch sẽ, một người tài xế thân thiện và có khả năng giao tiếp được bằng những ngoại ngữ phổ dụng (tiếng Anh, tiếng Trung…), trên xe để sẵn các thông tin về địa điểm ăn uống, nghỉ dưỡng, du lịch và bản đồ (được phát miễn phí), tài xế có thể nắm các thông tin cơ bản để tư vấn khách hàng (khi được hỏi). Chắc chắn doanh nghiệp có thể “lấy được trái tim” của những vị khách hàng này và sau đó là những người thân quen của họ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể sàn lọc, lựa chọn và liên kết với các đơn vị nghỉ dưỡng, ăn uống và du lịch có chất lượng để làm đối tác hợp tác toàn diện, kết nối các dịch vụ với nhau để cung cấp gói dịch vụ tốt cho khách hàng và cả hai cùng có lợi.
Các doanh nghiệp taxi truyền thống cần ghi nhớ
Trên thị trường luôn tồn tại nhóm khách hàng quan tâm đến chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ hơn là giá cả. Nhóm người này thậm chí còn có thể sẵn sàng trả tiền cao hơn mức giá thông thường để có được sự thoải mái và thuận tiện.
Trong khi đó công nghệ chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thuận tiện cho khách hàng, sự thuận tiện này sẽ mất hết ý nghĩa nếu nó đi kèm với một dịch vụ tệ và một thái độ phục vụ kém.
Chính vì vậy, chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quan trọng quyết định sự thịnh suy của doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi chứ không phải là yếu tố công nghệ. Thay vì quá chú trọng vào công nghệ, hãy tập trung ưu tiên phát triển chất lượng dịch vụ trước, khi khách hàng hài lòng, khách hàng sẽ trung thành, doanh nghiệp chắc chắn sẽ nhận lại được “quả ngọt”.
Huỳnh Kim Tôn